Khó thở là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ khi mang thai. Nguyên nhân của chứng bệnh này là gì?
Khi mang thai, có thể của người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều so với lúc bình thường. Có rất nhiều lý do khiến cho các bà bầu khó thở khi mang thai. Đôi khi những điều đơn giản như quần áo chật chội hoặc cố chống lại cơn buồn ngủ đang kéo đến cũng có thể khiến thai phụ có cảm giác khó thở.
Tác động của hormone
Trong giai đoạn đầu thai kỳ, một loại hormone tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ là progesterone bắt đầu gia tăng rất mạnh. Sự gia tăng này hoàn toàn bình thường, không gây nguy hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi, nhưng nó có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự khó thở của bạn trong thời gian mang thai. Bạn sẽ cảm thấy như đang phải nỗ lực rất nhiều để có thể thở sâu, thoải mái được.
Sự phát triển của tử cung
Tử cung sẽ dần lớn hơn trong thời gian mang thai để thích nghi được với sự phát triển của em bé. Khi tử cung càng lớn, nó có thể ép ngược lại phía dưới cơ hoành. Đây là cơ ở giữa bụng và ngực, hoạt động kết hợp với phổi, giúp đưa không khí vào phổi. Khi bị tử cung chèn ép, khả năng mở rộng của cơ hoành bị hạn chế, gây khó thở. Có những trường hợp thai nhi khỏe, đạp mạnh khiến cho tử cung ép chặt lấy cơ hoành làm cho thai phụ có thể bị ngất do không khí không vào phổi kịp.
Khó thở vì cơ thể mệt mỏi do thiếu máu
Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra với các chị em trong quá trình mang thai. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này cũng khiến thai phụ thấy khó thở. Các triệu chứng của thiếu máu: cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, hay chóng mặt, móng tay bị giòn. Nếu rơi vào tình trạng này, bạn cần bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, uống thêm viên sắt để phòng tránh những nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ của bạn.
Ảnh minh họa
“Sống” chung nhẹ nhàng
Khó thở là một phần của thai kỳ và rất ít người tránh được nó. Tạm thời, trong 40 tuần “bầu bí”, bạn có thể khắc phục bằng vài cách sau:
– Không nên vội vàng, hấp tấp để tránh gây căng thẳng cho cơ thể.
– Ngồi thẳng và đẩy vai của mình về phía sau: Ngồi ở vị trí này sẽ giúp phổi mở rộng và giảm đi áp lực cho cơ hoành, tạo điều kiện thuận lợi cho không khí vào phổi nhiều hơn.
– Nếu bạn cảm thấy khó thở đột ngột hay thoáng qua trong vòng vài phút thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý thêm những điều sau để giảm áp lực cho cơ hoành, giảm thiểu được tình trạng khó thở:
– Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho mẹ và thai nhi, bạn nên chú ý nhiều hơn trong sinh hoạt thường nhật của mình. Tránh không gắng sức khi mang vác đồ đạc, bạn sẽ thở được tốt hơn. Tránh các yếu tố dị nguyên có thể làm tái phát suyễn, đồng thời nhờ chồng hoặc người thân giúp đỡ, không nên tự ý làm những việc nặng nhọc.
– Vào ba tháng cuối của thai kỳ, bạn nên chọn một chiếc ghế dựa thật thoải mái để ngồi nghỉ ngơi. Giai đoạn này, việc nằm nhiều có thể khiến cho bạn cảm thấy khó thở hơn rất nhiều vì em bé chèn ép cơ hoành nhiều hơn vào giai đoạn này.
– Chọn những trang phục thoải mái giúp bạn thở dễ dàng hơn. Quần áo chật ở phần giữa ngực có thể gây cản trở hệ hô hấp của bạn.
– Vào ban đêm khi ngủ, bạn nên nâng cao đầu để mở đường thông thoáng cho đường hô hấp, chúng sẽ giúp bạn thở nhẹ nhàng hơn. Có nhiều trường hợp cần kê đến 2 chiếc gối vào ban đêm để không phải ngủ ngồi. Cũng nên kê cao chân để máu lưu thông tốt hơn.
Theo Suckhoedoisong