Cha mẹ nên là người quyết định thời điểm và món ăn cho bé. Bé sẽ được tự do quyết định khối lượng thức ăn theo nhu cầu. Điều này có nghĩa là bạn không nên gây áp lực cho bé khi ăn.
Ngoài ra, có những nguyên tắc ăn uống khác mẹ nên biết:
– Nên thiết lập thời gian hợp lý giữa các bữa chính và bữa phụ. Không nên để cho bé ăn vặt suốt ngày. Khi đã no bụng, bé không còn cảm giác thèm ăn những bữa chính nữa.
– Thời gian giới hạn cho những bữa phụ là 10-15 phút, bữa chính là 30 phút hoặc chậm nhất là 40 phút. Bạn nên dọn sạch thức ăn thừa trên bàn cho bé sau giờ ăn. Nếu bé bỏ thừa nhiều trong bữa chính, bạn nên tìm cách cắt giảm đồ uống và thức ăn vặt trong ngày cho bé. Nhiều bé có thể ngồi lì, quấy khóc hàng tiếng đồng hồ nếu bạn ép bé phải ăn hết.
– Bữa ăn phụ của bé phải cách bữa chính ít nhất 1-2 giờ đồng hồ.
– Bạn nên cho bé ăn cùng gia đình càng nhiều càng tốt. Không khí vui vẻ sẽ kích thích bé ngon miệng.
– Bé có thể từ chối những món mới trong cả tuần lễ. Bạn nên đợi khoảng vài ngày sau đó, rồi cho bé thử lại món ăn này. Nên nhớ rằng, việc bé ngại tiếp xúc với đồ ăn mới là khá phổ biến (nhiều bé phải thử đến lần thứ 10 trước khi chấp nhận món mới). Bạn không nên quá vội vàng bỏ cuộc. Kiên trì cho bé thử thức ăn từng chút một, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Các bé sẽ thích ăn hơn nếu món ăn được trang trí đẹp mắt, mùi vị hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
– Nên cho bé thử đồ ăn mới với những món tương tự món cũ. Nếu bạn muốn cho bé ăn nấm, có thể trộn nấm vào canh rau. Chỉ nên đưa một món mới cho một bữa ăn của bé. Sau đó, bạn xét xem thái độ cũng như dấu hiệu dị ứng thức ăn của bé.
– Cân nhắc khẩu phần dành cho bé. Khẩu phần của bé thường ít hơn người lớn từ 2-3 lần. Bạn nên chia nhỏ phần ăn trong ngày cho bé thay vì “nhồi nhét” thức ăn vào một bữa lớn. Điều này khiến bé khỏe mạnh, lại không làm cha mẹ stress vì thúc ép bé ăn.
– Gia tăng những trò chơi vận động cùng bé. Đi xe đạp, dạo chơi với chú cún con, chơi cát trong công viên, chơi bóng, chạy nhảy hoặc bất kỳ hoạt động thể chất nào có tác dụng giúp bé tiêu hao năng lượng thừa, kích thích sự ngon miệng.
– Động viên bé vui chơi ít nhất 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.
– Không nên biến bữa ăn của bé thành trận chiến. Bạn không nên quát tháo, mắng mỏ, đánh đập bé trong khi ăn. Nên giữ thái độ bình tĩnh cho dù thời gian cho bé ăn kéo dài hàng giờ đồng hồ. Không khí thoải mái là chìa khóa giúp bé tiêu hóa tốt và không sợ ăn.
– Bạn tránh ép bé phải ăn sạch thức ăn trong bát. Chuyên gia cho rằng, bé thường ăn uống theo bản năng chứ chưa hình thành ý thức tiết kiệm. Bé sẽ ăn khi đói và dừng lại khi no. Chẳng bé nào có ý thức phải cố ăn để tiết kiệm hoặc vì muốn được tăng cân. Nhắc lại nguyên tắc dành cho bạn là nên cho bé ăn từng chút một.
– Bạn nên chế biến thức phẩm cho bé dưới nhiều hình thức… Bạn sẽ biết bé yêu thích hình thức ăn nào nhiều hơn để đáp ứng đúng nhu cầu cho bé.
– Đặt vấn đề “thức ăn giúp bé khỏe mạnh” thay vì “Thức ăn tốt hoặc xấu”. Nếu bạn dạy bé: “Kẹo không tốt cho con đâu”, bé sẽ trở nên ác cảm với kẹo. Thực tế, kẹo chỉ gây hại cho bé nếu được sử dụng nhiều. Trường hợp này, bạn có thể giải thích cho bé: “Ăn nhiều kẹo, con sẽ bị đau răng hoặc béo phì”.
– Không nên cho bé béo phì ăn kiêng mà nên kiểm soát khối lượng thức ăn cho bé. Bởi vì, bé chỉ có thể phát triển khỏe mạnh khi tiêu thụ lượng thực phẩm đa dạng.
– Nên làm mẫu cho bé. Nếu bạn muốn bé thích uống sữa, bạn nên đồng thời pha sữa làm hai cốc: bạn một cốc và bé một cốc.
Theo Afamily