Rau quả tươi là thực phẩm rất dễ bị hư hỏng do có chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhiều nước, dễ bị lên men và tăng lượng ký sinh trùng trên rau quả. Ngoài ra, rau quả tươi hiện nay còn có nguy cơ rất cao tồn dư hoá chất kích thích tăng trưởng, chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản… Vì vậy, cần lưu ý:
Cách chọn rau quả tươi
Hình dáng bên ngoài: Còn nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát trầy xước, thâm nhũn ở núm cuống. Cảnh giác loại quá “mập”.
Chọn rau quả còn nguyên vẹn, lành lặn để đảm bảo ATVSTP.
Màu sắc: Có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo. Chú ý các loại quả xanh hoặc có màu sắc bất thường.
Sờ, nắm: Cảm giác nặng tay, giòn chắc. Chú ý cảm giác “nhẹ bỗng” của một số rau xanh được phun quá nhiều chất kích thích sinh trưởng và hóa chất bảo vệ thực vật. Không có dính chất lạ: Rất nhiều loại rau quả còn dính hoá chất bảo vệ thực vật trên lá, cuống lá, núm quả, cuống quả…. đó là các vết lấm tấm hoặc vết trắng.
Mùi: Không có mùi lạ. Nếu lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư nhiều, ngửi thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.
Với quả: Có một số loại được ngâm tẩm chất bảo quản độc hại, nhìn ngoài vẫn có màu tươi đẹp, nhưng núm cuống hoặc thâm nhũn, hoặc còn dính hóa chất bảo vệ thực vật, khi bổ ra hoặc khi bóc vỏ thấy biến màu giữa lớp vỏ và thịt quả.
Do đó, trước khi sử dụng việc rửa rau quả là khâu quan trọng trong quá trình chế biến và trước khi ăn.
Rửa rau thế nào cho đúng cách?
Khi rửa rau, một số người dùng nước muối, pha thuốc tím hoặc các loại hóa chất rửa rau an toàn được quảng cáo trên thị trường… Nhưng thật ra, nếu sử dụng phương pháp này, rau xanh hoặc quả tươi chỉ được làm sạch một phần, chủ yếu là loại bỏ một số chất bẩn, hóa chất, vi khuẩn… còn ký sinh trùng gây bệnh thì rất khó làm sạch. Nếu dùng nước pha với muối, thuốc tím hoặc hóa chất tẩy sạch có nồng độ cao thì rau xanh sau khi rửa sẽ bị bầm dập, bớt xanh tươi, mùi vị có thể bị thay đổi.
Rửa rau dưới vòi nước chảy để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy, cách rửa truyền thống, đơn giản nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh nhất vẫn là rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch chảy mạnh.
Phải đảm bảo nước dùng để rửa phải sạch, rửa dưới vòi nước chảy từ 3 nước trở lên, sau đó tùy vào từng loại rau cần áp dụng khác nhau. Nếu là cọng rau lá to: như cải xanh, xà lách… thì phải bẻ ra từng nhánh, từng lá, để dưới vòi nước chảy mạnh một lúc lâu cho sạch hết ký sinh trùng nếu có. Lật tiếp qua bề mặt kia rửa tương tự như vậy. Sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường một hoặc hai nước; Nếu là rau cọng nhỏ: như cải xoong, rau muống… thì để vào chậu rồi đảo qua, đảo lại nhiều lần, ít nhất cũng phải thay 5 – 6 nước như vậy. Nếu cần thiết có thể ngâm vào nước muối hoặc sục trong nước ozôn.
Quả tươi thì sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, trước khi ăn nên gọt vỏ.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay, các nhà hàng, quán ăn lớn có điều kiện nên rửa rau ăn sống bằng nước ozôn với nồng độ cao. Đối với các gia đình khi mua rau về, dù là rau sạch bán ở các siêu thị vẫn phải rửa thật sạch, tốt nhất là rửa từng lá rau dưới vòi nước chảy nhiều lần để vi khuẩn, trứng ký sinh trùng và hoá chất còn bám trên rau trôi đi trước khi sử dụng.
Muốn tránh nhiễm kí sinh trùng, an toàn nhất là phải rửa rau sạch trước khi chế biến, đun nấu chín và không nên ăn rau sống, gỏi sống.
Theo Afamily