Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến chứng gãi sồn sột suốt ngay là do sự thay đổi hormone estrogen trong thời kỳ mang thai.
Khổ như ngứa ngáy trong thai kỳ
Lượn một vòng quanh các diễn đàn dành riêng cho các mẹ bầu, có thể thấy không ít các topic than phiền về tình hình ngứa ngáy đến phát điên. Chị H.A (Hà Nam) chia sẻ: “Ôi các mẹ ạ. Mấy tuần nay em ngứa không chịu nổi. Đầu tiên là ngứa bụng rồi đến chân, nổi mẩn đỏ dầy đặc như bị lên mề đay ý. Gãi suốt ngày, trầy xước cả người,nhìn như ghẻ lở hắc lào, kinh lắm. Đêm ngứa quá không chịu nổi em đành dậy tắm. Có đêm tắm đến 3 lần các chị ạ. Có mẹ nào có kinh nghiệm đối phó với ngứa ngáy thì chỉ cho em với. Chứ cứ thế này em stress không ăn không ngủ được. Đêm nằm lại thút thít khóc, mẹ cứ thế này thì làm sao con lớn được. Em thương con em quá”.
Cũng cùng hoàn cảnh với chị H.A là chị M.L (Hà Nội). Chị kể: “Em thì bắt đầu ngứa từ tuần 18. Lúc đầu là bầu ngực, sau đó lan lên trên cổ rồi xuống lưng. Giờ đến bụng và chân tay rồi các mẹ ạ. Đi làm ai cũng hỏi han vì trông em khiếp quá, cứ như con ghẻ. Có lúc ngứa đến điên dại, gãi chảy cả máu. Sợ thật đấy cứ như có ai thả con sâu ngứa vào người mình vậy. Không biết có mẹ nào có kinh nghiệm gì hay không thì chia sẻ để mình thử nghiệm xem có đỡ không”.
Ngứa trong thai kỳ hành hạ nhiều mẹ bầu
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến chứng gãi sồn sột suốt ngay là do sự thay đổi hormone estrogen trong thời kỳ mang thai. Hơn nữa, thai nhi lớn lên đi kèm với việc cơ thể tăng cân khiến các vùng da bụng, đùi, ngực…bị rạn, gây ngứa ngáy khó chịu. Với những mẹ bầu có tiền sử da khô, mắc chứng chàm bội nhiễm hoặc dị ứng thức ăn thì tình trạng ngứa càng tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, ngứa ngáy trầm trọng trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba có thể là một dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan của thai kỳ. Mật chảy không bình thường trong ống dẫn nhỏ của gan và tích tụ trong cơ thể, gây ra hiện tượng ngứa quá mức. Đôi khi, ngứa nặng đến mức người bị ngứa sẽ gãi đến trầy xước và tổn thương da. Có thể kèm theo một số triệu chứng khác như chán ăn, vàng da, nôn mửa, buồn nôn….
Ngoài ra, bà bầu cũng nên lưu ý với những dấu hiệu ngứa kèm phát ban, sốt vì rất có thể đó là triệu chứng của bệnh thủy đậu hay herpes…Nếu ngứa đi kèm với tổn thương da, rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy các mẹ đã mắc chứng chàm, vảy nến….Khi thấy các triệu chứng nói trên, chị em nên đi khám để được điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng lên sức khỏe của mẹ và bé.
Giải pháp nào cho chị em?
Để hạn chế ngứa ngáy trong thời kỳ bầu bì, các mẹ nên giữ cơ thể sạch sẽ, mặc trang phục thoáng mát bằng chất liệu cotton và tránh xa các loại quần áo bằng chất liệu tổng hợp vì chúng có xu hướng kìm hãm sự ẩm ướt. Đồng thời không nên ở những nơi quá nóng bức.
Tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm sẽ khiến da bạn bị khô và ngứa hơn. Do đó chị em cũng nên hạn chế điều này. Sử dụng xà phòng nhẹ, không mùi để tắm cũng là lời khuyên mà các bác sĩ dành cho mẹ bầu.
Sau khi tắm xong hãy thoa một lượng kem dưỡng ẩm lên vùng da bị ngứa ngay khi da còn ẩm. Điều này giúp da hấp thụ độ ẩm nhiều hơn. Các sản phẩm dưỡng ẩm chất lượng như kem dưỡng bơ, ca cao, chiết xuất nha đam… rất tốt và phù hợp cho làn da bị ngứa.
Lưu ý tránh cào, gãi vì da sẽ càng bị kích thích, không chỉ khiến bạn ngứa hơn mà có thể để lại di chứng về sau. Hãy dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa để cảm thấy dễ chịu hơn.
Ghi danh các loại thức ăn giàu vitamin A (có trong cá, trứng, các loại rau, củ)… vào thực đơn cho mẹ bầu và uống nước đủ 2 lít hàng ngày. Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc và các loại kem bôi da nếu không có chỉ định của bác sĩ. Trước khi dùng sản phẩm gì, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.
Trên đây là một số điều bà bầu cần lưu ý để có một thai kì khỏe mạnh, đồng thời giảm bớt sự khó chịu vì ngứa ngáy, nhất là khi mùa đông sắp tới. Chúc các mẹ và bé khỏe mạnh.
Theo Kienthucgiadinh