Viêm họng thường được xem là “bệnh nhẹ”. Song, nếu không điều trị triệt để, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.
Gây viêm tai giữa
Viêm họng dễ dẫn đến viêm tai do vi khuẩn lan truyền qua đường liên thông từ họng đến lỗ vòi nhĩ và tai giữa. Trẻ em dễ bị viêm tai giữa vì hệ miễn dịch yếu, sụn vòi nhĩ mềm… Viêm tai giữa thường xuất hiện sau viêm họng. Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa sẽ quấy khóc, bỏ bú, sốt; nghiêng đầu và quờ tay vào tai. Trong quá trình tắm rửa hoặc vì một nguyên nhân nào đó mà tai bị va chạm, bé sẽ khóc thét. Cần đưa bé đi khám để bác sĩ can thiệp, dẫn lưu mủ trong tai. Trẻ bị viêm tai giữa, phụ huynh cần chăm sóc cho bé thật kỹ; tái khám để biết chắc chắn bệnh đã khỏi, vì nếu chăm sóc không kỹ, bé sẽ bị viêm tai xương chũm.
Bệnh viêm tai xương chũm nếu không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm hồi viêm với triệu chứng sốt cao, hốc hác do nhiễm độc, đau tai, nghe kém, tai có thể chảy mủ. Biến chứng nặng có thể gây tử vong.
Dẫn đến viêm phổi
Mùa nắng nóng, các bé thích ăn kem, uống nước lạnh… dễ bị sốt, ho, chảy nước mũi. Những trường hợp bệnh nhẹ, do không giữ gìn kỹ, bé bị nhiễm lạnh, vi trùng từ đường hô hấp trên sẽ nhanh chóng tiến vào phế quản, phổi.
Các bé biết nói sẽ dễ dàng báo cho cha mẹ biết tình trạng mệt, khó thở, trong khi đó, trẻ nhỏ hơn sẽ quấy khóc, biểu hiện khó chịu nên phụ huynh dễ nhầm với việc mọc răng, gắt ngủ. Phổi bị viêm, đồng nghĩa với các túi khí (phế nang) sẽ chứa mủ, chất nhầy… gây thiếu ôxy, khó thở, nguy cơ tử vong cao. Do đó, khi thấy bé có các dấu hiệu viêm họng, ho, sổ mũi, quấy khóc, kém vui chơi… cần đặc biệt lưu ý. Nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu thấy triệu chứng không thuyên giảm. Khi thấy các triệu chứng: cơ thể tím tái, ngủ li bì, thở có tiếng rít… là bệnh đã nặng, đe dọa tính mạng.
Gây bệnh ở tim
Có nhiều vi khuẩn gây viêm họng, trong đó, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A (Streptococcus A) khi xâm nhập vào họng, nếu không được chữa trị đến nơi đến chốn sẽ gây thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận. Vỏ của vi khuẩn này có phần cấu tạo giống cơ tim, thận, khớp. Khi vi khuẩn xâm nhập, cơ thể sẽ tạo kháng thể tấn công vi khuẩn. Và, cũng chính kháng thể này lại phá hủy mô nội mạc tim, gây bệnh thấp tim, bệnh van tim. Điều này xảy ra tương tự với thận và khớp.
Khoảng 2-3 tuần sau viêm họng, bệnh nhân có thể bị viêm các khớp: khuỷu tay, đầu gối, cổ chân… Cơn đau kéo dài từ năm-bảy ngày. Song, nếu bệnh tái đi tái lại, gây tổn thương van tim, làm cho các lá van dày lên, xơ cứng và có thể dẫn đến hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ…
Bác sĩ Nguyễn Công Viên, Phòng khám Quốc tế Viện Tim (CMI) TP HCM cho biết: “Hiện đã có test thử nhanh, độ nhạy cao, chi phí khoảng 60.000-70.000đ/lần. Nếu bác sĩ phát hiện nhiễm trùng sẽ dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn và kháng viêm”.
Thận trọng với kem, đá lạnh
Bác sĩ Nguyễn Thành Lợi, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khuyên: “Không hỉ mũi quá mạnh vì áp lực xịt hơi từ vòm họng qua lỗ vòi nhĩ sẽ đến tai giữa và gây viêm tai giữa. Khi đã bị viêm họng, cần điều trị dứt điểm. Để phòng bệnh viêm họng, không nên cho bé uống nước đá lạnh, ăn kem. Song song đó, cho bé súc họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày”.
Cần chú ý nâng thể trạng của bé bằng chế độ dinh dưỡng, chích ngừa đầy đủ. Bé đã qua tuổi ăn dặm cần cho ăn thức ăn mềm, nhuyễn, dễ nuốt, chú ý cho ăn rau, trái cây. Giữ gìn không cho bé bị viêm họng: đeo khẩu trang khi đi vào vùng ô nhiễm. Khi trời lạnh hoặc vào phòng lạnh, cần giữ ấm cơ thể cho bé, nhất là vùng cổ, ngực, gan bàn chân. Khi vệ sinh cho bé, cần thực hiện trong phòng kín gió, lau khô người. Tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hoặc chơi đùa, cầm nắm bất cứ vật gì.
Theo Afamily