Khó tiêu là triệu chứng tiêu hóa của nhiều bệnh gây ra. Bệnh có thể là những rối loạn cơ năng hoặc các tổn thương thực thể của dạ dày hay đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh lại bao gồm cả nhân tố lành tính và các khối u ác tính.
Đa số bệnh nhân mắc chứng khó tiêu do trào ngược axit dạ dày, thực quản hay do rối loạn hoạt động cơ học của dạ dày và tăng cảm dây thần kinh hướng tâm, các triệu chứng này gây nên hội chứng khó tiêu cơ năng. Số ít trường hợp, khó tiêu lại là hậu quả của một bệnh có tổn thương thực thể nặng hơn.
Thủ phạm gây chứng khó tiêu?
Viêm loét dạ dày- một nguyên nhân gây khó tiêu.
– Trào ngược axit dạ dày thực quản dễ gặp trong các trường hợp: xơ cứng bì và mang thai vì trương lực cơ vòng thực quản dưới yếu. Tuy nhiên đa số bệnh nhân trào ngược axit có trương lực cơ vòng thực quản dưới bình thường, nhưng họ hay bị những lúc cơ vòng thực quản dưới giãn ra tạm thời, khi đó axit sẽ tràn vào thực quản.
– Hoạt động cơ học của dạ dày bị rối loạn. Đây được xem là nguyên nhân gây trào ngược axit ở một số bệnh nhân khó tiêu. Nếu giãn đáy dạ dày bất thường có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu như bụng trướng hơi, đầy bụng, buồn nôn…
– Rối loạn chức năng cảm giác của dạ dày có thể dẫn đến khó tiêu chức năng. Người ta đã chứng minh được hiện tượng tăng cảm dây thần kinh hướng tâm của tạng ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, do sự nhạy cảm hơn với bong bóng được bơm lên trong trực tràng, trong khi khả năng đáp ứng của trực tràng không có gì thay đổi.
– Các yếu tố như vi khuẩn Helicobacter pylori, một số thuốc, rượu, thuốc lá, cà phê, stress cũng là thủ phạm gây khó tiêu.
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản điển hình gồm ợ nóng, cảm giác nóng dưới xương ức, bắt đầu từ thượng vị lan lên cổ, tăng lên khi ăn, kèm theo ựa lên dịch axit và nước; viêm hầu, ho, viêm phế quản, khàn tiếng và đau giống đau thắt ngực; có thể thấy đau bụng…
Bệnh nhân khó tiêu kiểu loét thấy khó chịu hay ợ nóng ở thượng vị, bớt khi ăn hay dùng thuốc ức chế axit. Trong khi bệnh nhân khó tiêu kiểu rối loạn cơ học là cảm giác đầy hay đau tăng lên khi ăn vào, kèm theo buồn nôn, bụng trướng hơi, ợ và mau no. Thăm khám bệnh nhân khó tiêu do nguyên nhân chức năng thường cho kết quả bình thường. Ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không điển hình, có thể thấy đỏ vùng hầu hoặc nghe tiếng thở rít trên vùng phổi. Bệnh nhân khó tiêu chức năng có thể thấy đau thượng vị hay trướng bụng.
Để phân biệt nguyên nhân chức năng và thực thể của khó tiêu phải căn cứ vào đặc điểm trong bệnh sử và kết quả khám bệnh. Chẳng hạn nuốt đau gợi ý nhiễm khuẩn thực quản, nhưng với triệu chứng khó nuốt cần phải chú ý đến tắc nghẽn thực quản lành tính hay ác tính. Các triệu chứng đáng chú ý gồm: sụt cân không rõ nguyên nhân, nôn tái diễn gây mất nước rõ, xuất huyết tiêu hoá vi thể hay đại thể, khám thấy khối u hay bướu tuyến…
Chẩn đoán phân biệt
Nguyên nhân cơ năng: Chứng khó tiêu chức năng thường xảy ra, được xác định là ăn không tiêu từ 3 tháng trở lên mà không có nguyên nhân thực thể. Cần chú ý phân biệt khó tiêu chức năng có tính chất lành tính với những bệnh nặng tổn thương thực thể.
Loét dạ dày thực quản: Trong bệnh lý trào ngược có 5% bệnh nhân bị loét thực quản và một dạng chít hẹp thực quản nào đó; từ 15-25% số ca phát sinh từ loét dạ dày hay tá tràng.
Khối u ác tính: Có dưới 2% trường hợp ăn khó tiêu do khối u ác tính của dạ dày, thực quản. Những bệnh nhân hút thuốc, uống rượu hay bị carcinom tế bào vảy thực quản. Uống chất ăn mòn, co hẹp tâm vị và rối loạn dày sừng di truyền cũng là những yếu tố nguy cơ gây carcinom. Trong khi đó adenocarcinom thực quản thường là biến chứng của trào ngược axit lâu ngày.
Các nguyên nhân khác: Ở bệnh nhân đã bị phẫu thuật do loét dạ dày, viêm thực quản do trào ngược kiềm cũng gây ra triệu chứng giống trào ngược dạ dày thực quản; người bị nhiễm nấm, virut ở thực quản có thể gây ợ nóng hay khó chịu ở ngực và gây nuốt đau; đau quặn túi mật, bị ợ nóng mạn tính biểu hiện của khó tiêu, song cần chú ý rằng phần nhiều bệnh nhân đau quặn túi mật có những đợt đau hạ sườn phải hay thượng vị; bệnh nhân không dung nạp lactose do thiếu lactase sinh ra hơi, bụng trướng hơi, khó chịu và tiêu chảy; các bệnh: tuyến tụy, gan, tiêu chảy mạn tính, thiếu máu mạc treo ruột, bệnh tuyến giáp và cận giáp, suy tim ứ huyết và lao… đều gây khó tiêu.
Điều trị
Nguyên tắc chung:
– Khó tiêu nhẹ không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần trấn an, động viên bệnh nhân ăn uống điều độ; ngưng dùng các thuốc gây trào ngược axit hay ăn không tiêu nếu trước đó bệnh nhân đã dùng. Cần hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá vì tác dụng của chúng lên cơ vòng thực quản dưới; thực hiện chế độ ăn ít mỡ, tránh ăn vặt trước khi đi ngủ và nằm đầu cao.
Điều trị chuyên biệt đối với các bệnh thực thể. Dùng phương pháp phẫu thuật đối với trường hợp đau quặn túi mật; sử dụng chế độ ăn đặc biệt để điều trị bệnh: thiếu lactase và tiêu chảy mạn tính từng đợt; loét dạ dày cần điều trị với thuốc chuyên biệt; bệnh nhân khó tiêu do nguyên nhân chức năng nên dùng thuốc làm giảm axit dạ dày, kích thích cử động ruột hay làm giảm tính nhạy cảm của da dày.
Điều trị nội khoa:
– Thuốc ức chế hay trung hòa axit được sử dụng nhiều nhất để điều trị trào ngược dạ dày thực quản; thuốc kháng histamin H2 có ích trong điều trị bệnh từ nhẹ đến vừa; các triệu chứng nặng, viêm trợt hay viêm loét thực quản cần dùng thuốc ức chế bơm proton.
– Diệt mầm bệnh gây loét: Dùng thuốc diệt Helicobacter pylori đối với bệnh nhân trẻ khó tiêu không có các triệu chứng báo động mà đã chẩn đoán xác định có vi khuẩn gây loét Helicobacter pylori.
– Sử dụng thuốc kích thích cử động của dạ dày, ruột: có thể dùng các thuốc kích thích cử động của dạ dày, ruột như: cisaprid, metoclopramid, erothromycin và domperidon có hiệu quả nhất định trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Ở những bệnh nhân khó tiêu kiểu rối loạn cử động có thể đáp ứng tốt hơn với thuốc kích thích cử động.
Các phương pháp khác:
Nếu bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng phẫu thuật chống trào ngược.
Những bệnh nhân khó tiêu chức năng không đáp ứng với thuốc ức chế axit hay tăng vận chuyển nhưng có thể đáp ứng với thuôc chống trầm cảm 3 vòng.
Theo Suckhoedoisong