Các dấu hiệu chính của suy thai: Trong nước ối có phân su, nước ối đổi màu từ trắng đục thành màu xanh hoặc màu vàng, đây là dấu hiệu đặc biệt có giá trị.
Sản phụ nào dễ có nguy cơ?
Những thai phụ mắc các bệnh thiếu máu, suy tim, tăng hay tụt huyết áp, suy thận, suy hô hấp hoặc chuyển dạ kéo dài, cơn co quá mạnh hoặc kéo dài quá, tử cung co cứng; dùng thuốc tăng cơn co quá liều, nằm ngửa quá lâu (tử cung đè lên các mạch máu lớn ở bụng) cũng gây suy thai. Suy thai có thể do thai kém phát triển, dị dạng, già hoặc quá non tháng, sa dây rau, rau thắt nút, rau quấn cổ…
Khi mang thai cần khám thai định kỳ để an toàn cho cả mẹ và con
Các dấu hiệu chính của suy thai: Trong nước ối có phân su, nước ối đổi màu từ trắng đục thành màu xanh hoặc màu vàng, đây là dấu hiệu đặc biệt có giá trị. Tim thai thay đổi nhanh trên 160 lần/phút, hoặc chậm dưới 100 lần/phút hoặc không đều. Cử động của thai hỗn loạn: lúc đầu thai cựa mạnh và nhiều hơn, đến giai đoạn sau thai đạp chậm và sau đó thì ngừng. Thai không cựa có thể là đã chết.
Cách xử trí
Tùy nguyên nhân của tình trạng suy thai để xử trí thích hợp. Nếu có nguyên nhân rõ ràng như sa dây rốn, rau bong non, dọa vỡ tử cung… thì phải mổ lấy thai ngay. Nếu không có nguyên nhân rõ ràng, cho sản phụ nằm nghiêng bên trái và thở ôxy, tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới.
Nếu vỡ ối, phải khám ngay xem có sa dây rau không để tìm cách đẩy lên trong tư thế nằm – quỳ sấp. Nếu cần chuyển thai phụ lên tuyến trên, sản phụ cũng phải ở tư thế này. Chèn âm đạo bằng gạc, tẩm huyết thanh ấm. Nếu để sản phụ nằm ngửa trên cáng trong ôtô cấp cứu đường xa và xóc thì sẽ làm tình thế trầm trọng hơn.
Cách đề phòng suy thai tích cực nhất là chữa ổn định bệnh mạn tính trước khi có thai, giảm mọi ưu tư phiền muộn cho thai phụ, khám 6 – 8 lần cho mỗi thai kỳ. Cần bảo đảm tăng cân cho mẹ 20% đến cuối thai kỳ bằng dinh dưỡng đủ chất và không bị phù, tăng huyết áp.
Trong khi chuyển dạ, cần giữ mối liên hệ thường xuyên với thân nhân để tránh tình trạng cô đơn, lo lắng, hỗ trợ tâm lý và không để sản phụ nằm ngửa lâu quá một giờ. Tránh để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở tuyến cơ sở. Người hộ sinh đỡ đẻ nên đồng thời là người theo dõi chăm sóc thai phụ trong khi có thai.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người mẹ cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức, sức khỏe cùng tâm lý tốt nhất để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Khi mang thai, nên khám thường xuyên để phát hiện thai suy và hạn chế các biến cố. Thai phụ phải chăm sóc tốt nhất về chế độ dinh dưỡng, bổ sung protein, vitamin và nguyên tố vi lượng, tránh không để bị phù, tăng huyết áp… và đặc biệt, tránh xa khói thuốc lá, rượu. Không tự ý sử dụng thuốc.
Khi có những dấu hiệu bất thường như thai cử động ít, không cử động, ra máu, có cơn co tử cung… cần thông báo ngay cho bác sĩ. Khi sản phụ chuyển dạ, cần có sự hỗ trợ, động viên từ người thân, tránh để họ có những ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, khiến quá trình chuyển dạ kéo dài dẫn đến nguy cơ suy thai cao hơn.
Theo Suckhoedoisong