Bước vào tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển sức khỏe thể chất, các em gái cũng bước vào giai đoạn kinh nguyệt, với nhiều phiền toái lúc đầu. Một trong số đó, khiến nhiều phụ huynh cũng như các em gái hết sức lo lắng, là trường hợp rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì. Nhiều bà mẹ có con gái trong độ tuổi dậy thì cũng lo lắng với đa dạng các biểu hiện rối loạn kinh nguyệt. Trong nhiều trường hợp, các em gái bị rong kinh, kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng đến tâm lý.
Ở tuổi vị thành niên, kinh nguyệt có thể chưa đều trong khoảng 1 – 2 năm đầu do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Thông thường, nữ bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt từ 10 – 18 tuổi. Thời gian hành kinh từ 3 – 7 ngày, lượng máu kinh khoảng 60ml.
Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì như vô kinh nguyên phát: quá 18 tuổi chưa hành kinh; vô kinh thứ phát: quá 3 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh rất đều và quá 6 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh không đều; vô kinh giả: máu kinh vẫn có nhưng màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên máu kinh không chảy ra ngoài, còn gọi là bế kinh; rong kinh: hành kinh kéo dài trên 7 ngày… do chức năng buồng trứng chưa phát triển hoàn chỉnh, không có tác hại việc sinh sản trong tương lai.
Do vậy, trong giai đoạn tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh cần chú trọng tuyên truyền cho các em biết về sự phát triển tâm sinh lý tuổi dậy thì, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các em gái cần có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ vệ sinh trong những ngày có kinh nguyệt, cần chú ý thay băng vệ sinh thường xuyên, cách 4 giờ/lần, phòng tránh các bệnh lý phụ khoa, tránh nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong kích hoạt sự dậy thì, lượng mỡ trong cơ thể phải chiếm 15% khối lượng cơ thể thì mới đảm bảo chức năng buồng trứng bình thường. Dậy thì muộn thường được thấy ở những người suy dinh dưỡng mạn tính. Do vậy, trong giai đoạn tuổi dậy thì, các em cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với độ tuổi.
Để điều trị các rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, gia đình có thể đưa các em gái đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, hỗ trợ điều trị. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn khi con bước vào tuổi dậy thì, theo dõi sự phát triển cơ thể của các em và đến cơ sở y tế khám, tư vấn khi thấy bất thường.
Theo Suckhoedoisong