Chảy máu cam, miệng chảy dãi, gan bàn tay đỏ ửng… là những triệu chứng khiến chị em bầu “ố à” vì ngạc nhiên.
Chân em là chân Voi
Khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ, những chị em thường tự hào vì đôi chân thon gọn của mình lại đau đầu khi thấy chân to lên bất thường chẳng kém chân voi. Nguyên do là sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cộng với trọng lượng cơ thể tăng vùn vụt khiến đôi chân phải chịu sức ép nặng nề và lâm vào tình trạng phù nề.
Theo các chuyên gia hiện tượng này là hoàn toàn bình thường và không có gì nghiêm trọng nếu như bạn không thấy nó sưng tấy đi kèm với huyết áp cao. Trong trường hợp tình huống này xảy ra, bạn nên đi khám để kiểm tra vì có nguy cơ bị tiền sản giật rất cao.
Nhằm giảm chứng sưng phù đôi chân khi bầu bí, chị em nên hạn chế đứng quá lâu, ngồi vắt chéo chân, ăn nhiều đồ mặn, đi giày cao gót, gác chân lên cao khi nghỉ ngơi và chườm lạnh vào chỗ sưng.
Són tiểu không kiểm soát
Nhiều mẹ bầu chia sẻ rằng họ cảm thấy xấu hổ vì bị són tiểu khi cười, hắt hơi hay chỉ đơn giản là cúi xuống nhấc một đồ vật nào đấy. Tuy nhiên đây là chuyện “thường ngày ở huyện” bởi áp lực của thai nhi đè lên bàng quang cùng với lượng nước tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn bình thường sẽ khiến chị em lâm vào tình trạng “ngượng chín mặt” nói trên, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ.
Để hạn chế hiện tượng “như em bé” này, các bác sĩ khuyên rằng chị em nên ghé thăm nhà vệ sinh ngay khi thấy bụng tưng tức, không nên để bàng quang đầy nước và tăng cường tập các bài tập Kegel giúp xương chậu chắc khỏe. Nếu bị són tiểu thường xuyên, mẹ bầu nên chọn quần lót có độ thấm hút cao, thay quần lót thường xuyên. Tránh sử dụng băng vệ sinh hàng ngày để phòng chống nguy cơ viêm nhiễm “cô bé”.
Gan bàn tay đỏ ửng
Sang tháng thứ hai của thai kỳ, gan bàn tay thậm chí cả gót chân của nhiều thai phụ trở nên đỏ ứng, ngứa ngay. Đó là hội chứng ban đỏ gan bàn tay theo cách gọi của các nhà khoa học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự gia tăng hormone estrogen và khối lượng máu lưu thông tăng.
Đáng tiếc rằng không có biện pháp điều trị dứt điểm chứng gan bàn tay, chân đỏ nhưng chị em có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi dùng đá chà nhẹ vào lòng bàn tay khoảng 2 lần/ 1 ngày. Ngoài ra nên tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, gia vị cay nóng…
Ôi trời chảy máu cam
Vào cuối thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, nhiều mẹ bầu kêu than rằng họ bị chảy máu cam và cảm thấy vô cùng lo lắng về tình trạng này. Tuy nhiên các chuyên gia trấn an rằng đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường bởi khi mang bầu sự tuần hoàn máu tăng lên khoảng 50%, kích thích mũi sản xuất nhiều dịch hơn. Màng nhầy trong mũi sẽ trở nên khô đi và sưng tấy, gây tắc nghẽn và chảy máu cam. Bên cạnh đó, đeo “ba lô ngược” sẽ khiến các mạch máu mũi mở rộng, áp lực lớn sẽ khiến chúng dễ vỡ ra.
Sử dụng nước muối để nhỏ mũi, uống nước đầy đủ, thở nhẹ nhàng, không ngủ ở nơi không khí khô đặc biệt trong thời tiết mùa đông là biện pháp hoàn hảo giúp chị em tránh được cảnh đổ máu.
Không ngủ ở nơi không khí khô giúp mẹ bầu tránh đổ máu cam (Ảnh minh họa)
Không! Miệng chảy dãi
Lướt qua một số diễn đàn dành cho phụ nữ, có thể thấy không ít những lời tâm sự của chị em về tình trạng ứa nước miếng và miệng chảy dãi bất thình lình trong cuộc họp khiến họ chỉ muốn chui xuống đất để trốn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi hormone trong cơ thể. Ngoài ra, ợ nóng và ốm nghén cũng là những tác nhân gây ra tình trạng trên.
Ngậm kẹo bạc hà, viên ngậm vitamin C, uống đầy đủ nước (nên thêm 1 lát chanh hoặc cam) sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Nản lắm vấn đề về răng lợi
Trong thời kỳ mang thai, chị em thường nhận thấy lợi yếu, sưng lên và hay chảy máu bởi khi vác bụng bầu, lượng progesterone tăng cao, cung cấp nhiều mạch máu hơn trong khoang miệng nên vùng lợi có cảm giác bị sưng. Ngoài ra trong lợi nhiều khi cũng xuất hiện những cục nhỏ, thường không đau và may mắn là không gây hại cho bà mẹ và thai nhi. Điều đáng mừng là các vấn đề về răng lợi này sẽ dần biến mất sau khi chị em lâm bồn.
Để phòng bệnh, chị em nên đánh răng kỹ 2 lần một ngày, dùng chỉ nha khoa, súc miệng nước muối, đi khám nha khoa định kỳ. Bên cạnh đó, nếu thấy các dấu hiệu như bị sâu răng, rụng răng, hơi thở có mùi hôi… chị em nên đi khám để được chữa trị kịp thời.
Táo bón đồng hành cùng mẹ bầu
Táo bón là một trong những rắc rối thường đồng hành với mẹ bầu trong thai kỳ. Hiện tượng này xuất phát từ những nguyên nhân như: sự thay đổi hormone, chế độ ăn uống không hợp lý, quá trình phát triển của thai nhi….Tuy táo bón khiến các mẹ ỏng hết sức khó chịu nhưng không có loại thuốc nào có thể chữa trị dứt điểm.
Thay vào đó, chị em nên tập thể dục đều đặn, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống đủ nước, mát xa bụng, cắt giảm những thực phẩm nhiều giàu mỡ, đường trong khẩu ăn hàng ngày….
Theo Khampha