Sinh mổ là một ca phẫu thuật lớn, chính vì vậy việc phục hồi cho mẹ sau sinh là vô cùng quan trọng. Chắc chắn các mẹ đã từng biết đến những rủi ro có thể xảy ra với mẹ sinh mổ như dính ruột, nhiễm trùng vết mổ, bí tiểu… Để hạn chế những nguy cơ, mẹ đẻ mổ cần tuyệt đối tránh những điều sau:
Nằm ngửa
Sau ca sinh mổ, tác động của thuốc gây mê dần mất tác dụng sẽ khiến mẹ đau đớn ngay tại vết mổ cũng như những cơn đau do co tử cung. Lúc này nếu mẹ nằm ngửa sẽ khiến những cơn đau càng trở lên nặng nề hơn.
Tư thế nằm tốt nhất cho mẹ là nằm nghiêng so với giường một góc khoảng 20-30 độ, giường đệm êm và chắc chắn để hạn chế tối đa sự rung động đến vết mổ đẻ. Vị trí nằm này cũng khiến sản dịch trong cơ thể dễ dàng đi ra ngoài hơn nằm ngửa.
Lười hoạt động
Để sức khỏe sớm phục hồi sau ca sinh nở, không có cách nào khác là mẹ phải ngồi dậy và nhẹ nhàng vận động sau sinh khoảng 24 giờ. 24 giờ cũng là thời gian tối đa cho mẹ nằm lỳ trên giường. Sau thời gian đó hãy ngồi dậy, tập đi lại nhẹ nhàng để đường ruột được hoạt động trở lại.
Mẹ cũng có thể uống thêm nước, ăn cháo loãng và vận động sẽ giúp thúc đẩy việc đi tiểu tiện, đạu tiện và giúp sản dịch dễ dàng tống ra ngoài, phòng ngừa chứng huyết khối và dính ruột sau sinh.
Nín đi vệ sinh
Tâm lý đau vết mổ khiến hầu hết các mẹ đều ngại đi tiểu tuy nhiên đây lại là việc vô cùng nguy hại đến sự phục hồi của sản phụ. Không đi tiểu tiện, đại tiện sẽ dễ dàng dẫn đến chứng bí tiểu, táo bón. Mẹ sau sinh nên uống thêm nước và đi tiểu ngay khi có nhu cầu sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo và kích thích hệ tiêu hóa, giúp mẹ nhanh phục hồi.
Tâm lý đau vết mổ khiến hầu hết các mẹ đều ngại đi tiểu tuy nhiên đây lại là việc vô cùng nguy hại đến sự phục hồi của sản phụ. (ảnh minh họa)
Tắm bồn
Phải mất ít nhất là 1 tuần thì vết mổ lấy thai mới có thể khô dần và phải mất cả tháng mới có thể lành lại Vì vậy, khi mới sinh mổ, mẹ không nên ngâm mình trong bồn tắm bởi có thể sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho vết mổ. Mẹ cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm để đảm bảo sao cho vết mổ được khô hoặc cách vệ sinh vết mổ khi tắm sao cho an toàn.
Chị em cũng cần biết thêm rằng, trong 4 tuần sau sinh, cổ tử cung mới dần dần đóng lại. Tắm bồi thời gian này cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc viêm vùng chậu. Tốt hơn hết là mẹ nên dùng vòi hoa sen để xả trực tiếp khi tắm.
Ăn quá nhiều ngay sau sinh
Việc bổ sung dưỡng chất sau ca sinh mổ là cần thiết tuy nhiên các chuyên gia khoa sản luôn khuyên chị em chỉ nên ăn cháo loãng trong ngày đầu mới sinh. Khi đã trung tiện được thì mới có thể ăn các thực phẩm khác.
Dù vậy, khi mới sinh nở, bụng dạ chị em còn khá yếu nên trong tuần đầu không nên bồi bổ quá nhiều sẽ khiến thực phẩm lên men, gây đầy hơi. Tốt hơn hết, sau một tuần đầu, mẹ mới nên tẩm bổ thêm các thực phẩm từ cá, thịt, và các loại thực phẩm có lượng protein cao. Đồng thời mẹ sau sinh cũng nên hạn chế ăn dầu mỡ, uống cà phê, chè, rượu và các gia vị cay, nóng.
“Yêu” sớm
Theo các chuyên gia khoa sản, sản phụ sau sinh phải mất ít nhất 42 ngày để hết sản dịch và tử cung mới dần co lại. Thời gian sau sinh, vết mổ đẻ ở tử cung cũng cần được chăm sóc và giữ gìn nên việc kiêng “yêu” sớm là điều cần thiết. Quan hệ tình dục quá sớm sau sinh nở có thể khiến vết mổ đẻ bị ảnh hưởng, đồng thời sẽ khiến mẹ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng vùng kín. Mẹ chỉ nên yêu lại sau 6-8 tuần sau sinh nở và khi đã sẵn sàng với cuộc “yêu”.
Bật điều hòa lạnh
Sau sinh nở, lỗ chân lông của mẹ vẫn còn mở rộng vì vậy mẹ không nên để cơ thể quá lạnh. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng là 25-28 độ C. Tốt hơn hết mẹ vẫn nên mặc quần áo dài tay và đi một đôi tất mỏng.
Theo Khampha