Bệnh hạ đường huyết là một bệnh vô cùng nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như đe dọa tính mạng của trẻ. Vậy khi con yêu mắc bệnh hạ đường huyết bạn nên xử trí như thế nào?
1. Biến chứng của hạ đường huyết
Hạ đường huyết là một biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới bệnh đái tháo đường, gây hôn mê, chết não và có thể tử vong cho bệnh nhân.
Sau cơn bệnh, đường huyết thường không ổn định do có sự thay đổi liều thuốc và chế độ ăn. Do vậy, sau khi gặp vấn đề này, trẻ cần được theo dõi bởi các bác sĩ nội tiết để điều chỉnh liều thuốc và chế độ ăn phù hợp, tránh các biến chứng lâu dài về sau.
Nguy hiểm hơn với trẻ sơ sinh, hạ đường huyết nếu không được điều trị tức thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt có thể gây tổn thương não của trẻ nếu để tình trạng này kéo dài.
Tai biến này thường xảy ra trong những ngày đầu sau đẻ và thường hay gặp với những trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân dưới 2.500g. Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, có tới 41% trẻ đẻ thấp cân bị hạ đường huyết. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm thần kinh của trẻ sau này. Vì vậy, cần có những chuẩn đoán cụ thể để phát hiện và điều trị tốt nhất có thể.
2. Cách xử trí và chăm sóc bệnh nhi bị hạ đường huyết
Bệnh hạ đường huyết là một bệnh vô cùng nguy hiểm, phải cấp cứu không thể trì hoãn, cần tiến hành ở bất cứ đâu, bất cứ cơ sở nào, không phân tuyến điều trị.
Việc chữa trị căn bệnh này cần đặc biệt tuân thủ các nguyên tắc là lập tức điều trị nâng cao độ đường trong máu, điều trị tình trạng cơ bản gây ra hạ đường huyết, để ngăn chặn nó tái diễn và điều trị các triệu chứng ban đầu. Triệu chứng ban đầu thường có thể được điều trị bằng đường tiêu thụ, chẳng hạn như ăn kẹo, uống nước ép trái cây hoặc dùng thuốc đường để nâng cao độ đường trong máu.
Tùy thuộc vào các biểu hiện phát bệnh và độ tuổi mà chọn biện pháp điều trị hợp lý. Trường hợp trẻ sơ sinh hay trẻ lớn, có tình trạng thần kinh hư biến nhanh chóng, co giật, hôn mê cần tiêm ngay TM 0,5-3g glucose dưới dạng dung dịch glucose 30% (2-10 ml, tuỳ theo tuổi nhỏ hay lớn).
Sau đó, cần truyền tĩnh mạch dung dịch đường 10% theo lứa tuổi, 4mg/kg/phút hay 0,25g/kg/giờ (2,5ml/kg/giờ) đối với trẻ sơ sinh và 0,5g/giờ hay 5ml/kg/giờ với trẻ ngoài sơ sinh. Đồng thời cần tiêm glucagon với liều từ 0,25-1 mg tùy theo độ tuổi của trẻ.
Lưu ý với trẻ đang trong tình trạng tiểu đường cần tiêm đường ưu trương liều để cứu sống trẻ để không khiến trẻ rơi vào tình trạng hôn mê. Ngoài ra, chế độ ăn cũng cần đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ.
3. Phòng chống bệnh hạ đường huyết của trẻ
Trường hợp trẻ sơ sinh có nguy cơ cao cần điều trị dự phòng hạ đường huyết cho trẻ một cách hệ thống như cho trẻ ăn hoặc bú sớm trong vòng 3-6 giờ sau đẻ. Đối với trẻ lớn hơn cần cho trẻ bú 8 bữa sữa mỗi ngày.
Để chắc chắn, có thể tiến hành xét nghiệm đường máu có hệ thống bằng que thử Dextrostix 3 giờ một lần, trước mỗi bữa ăn, trong 3 ngày đầu nếu định lượng đường máu dưới 0,45g/l.
Hãy luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra cho con yêu bố mẹ nhé.
Theo Suckhoedoisong