Bệnh nhân sau khi bị đột quỵ, sức khỏe yếu, vận động đi lại khó khăn, do đó cần được chăm sóc bằng chế độ ăn uống phù hợp, để bệnh nhân chóng hồi phục, đặc biệt ở vùng xung quanh vị trí nhồi máu.
Bệnh nhân và người nhà chăm sóc cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ như sau:
Cân đối bột – đạm
Người bệnh bị giảm lưu lượng máu nuôi đến vùng nhồi máu, bị thiếu chất dinh dưỡng do ăn uống kém… dẫn đến tình trạng giảm tổng hợp protein tại các tế bào não, càng làm giảm khả năng phục hồi sự hư tổn ở tế bào não. Chưa kể, cơ thể lại gia tăng nhu cầu năng lượng và các dưỡng chất do phản ứng viêm.
Do vậy, ở bệnh nhân khi đã ổn định (7-14 ngày sau khi bị đột quỵ), có thể ăn bằng đường miệng hay nuôi qua ống sonde dạ dày, cần được bổ sung bữa ăn nhiều chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa…) với lượng đạm và tinh bột cân đối sao cho năng lượng từ tinh bột không quá 2,5 lần so với năng lượng từ chất đạm – tức không cung cấp quá nhiều tinh bột.
Nếu cung cấp quá nhiều tinh bột so với đạm sẽ làm chậm phục hồi tổn thương não liên quan đến chuyển hóa chất tinh bột tại não. Năng lượng cần được cung cấp là khoảng 25 kcal/kg cân nặng, năng lượng từ đạm nên chiếm 20-25% và từ tinh bột chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu năng lượng.
Ví dụ một người 60kg, khẩu phần ăn cần năng lượng khoảng 1.500 kcal, lượng đạm cần khoảng 80 gam, lượng tinh bột cần khoảng 188 gam. Từ đó tính ra thực đơn thì mỗi bữa ăn chính ngoài rau củ, cần khoảng một chén cơm và 65 gam thịt cá.
Tăng cường các chất chống oxy hóa
Sau khi bị đột quỵ, lượng gốc tự do sinh ra nhiều từ các tế bào viêm khiến tình trạng tổn thương càng nặng. Cho nên, trong khẩu phần người bệnh sau khi bị đột quỵ cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa hoặc sẽ được chỉ định bổ sung vitamin C, E.
Vitamin E có nhiều trong các loại hạt (hạt hướng dương, hạt dẻ, đậu phộng), các loại dầu ăn (dầu hạt hướng dương, dầu bắp, dầu đậu nành, trong các loại rau màu xanh đậm).
Vitamin C có nhiều trong nước ép cam, bưởi; các loại trái cây và quả như kiwi, dâu, cà chua; rau củ như bông cải, bắp cải, khoai tây, các loại đậu hạt…
Đủ kẽm
Cung cấp đủ kẽm giúp giảm phù não do thiếu máu và làm giảm thể tích nhồi máu não. Người bệnh cần ăn thực phẩm giàu chất kẽm như thịt heo, thịt bò, gia cầm và cá mỗi ngày trong thời gian hồi phục.
Bệnh đột quỵ có thể tái phát lần hai và lần ba sau đó. Để phòng tránh nguy co tai phát, bệnh nhân cần hạn chế ăn mặn để tránh tăng huyết áp và tập thể dục điều độ.
Hướng dẫn người nhà và bệnh nhân cách ăn uống sau đột quỵ:
Có khoảng 85% bệnh nhân đột quỵ sống sót. Trong số 100 bệnh nhân đột quỵ sống sót có khoảng 90 bệnh nhân có vấn đề trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt rối loạn nuốt gây cản trở bệnh nhân ăn, uống, thở có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm như nuốt sặc, viêm phổi có thể gây chết người. Vì vậy, việc hướng dẫn người nhà và bệnh nhân cách ăn uống sau đột quỵ là rất cần thiết để đảm bảo dinh dưỡng cũng như tránh được các biến chứng đáng tiếc nêu trên. Cần thông báo cho người nhà và bệnh nhân biết được 4 dấu hiệu của bệnh nhân có rối loạn nuốt:
1. Ho và hoặc không có khả năng tự làm sạch họng (khạc, nhổ)
2. Nuốt nước bọt khó hoặc không nuốt được
3. Chảy nước dãi và hoặc chảy dãi liên tục
4. Thay đổi giọng sau khi nuốt nước bọt hoặc giọng nói bất thường liên tục
Sáu lời khuyên cho bệnh nhân đột quỵ có rối loạn nuốt:
1. Dịch đặc dễ nuốt hơn.
2. Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
3. Thức ăn rất ấm hay lạnh dễ nuốt hơn
4. Ăn nhiều bữa nhỏ đầy đủ dinh dưỡng.
5. Nên ăn và nuốt thật chậm, từng ít một.
6. Nếu ăn thịt nên ăn thịt hầm nhừ hay các loại thức ăn có nước sốt.
Theo Tổng Hợp