Nhiều chị em phụ nữ khi có bầu bị viêm nhiễm phụ khoa họ cho rằng điều đó là đương nhiên và chủ quan không chịu khám phụ khoa sớm đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Nỗi đau vì sự kém hiểu biết
Chị Phan Thị Nguyệt Q. trú tại Thường Tín, Hà Nội vừa chịu đau đớn vì mất đi đứa con mà hai vợ chồng chị khó khăn lắm mới có được. Chị Q. tâm sự hai vợ chồng chị cưới nhau 2 năm nhưng không có thai. Sau đó, họ phải nhờ can thiệp sinh sản bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo. Lần đầu không thành công. Đến lần thứ 2 chị Q mới có thai. Niềm vui sắp được làm mẹ khiến chị Q, tràn ngập trong hạnh phúc.
Chị Q. đi siêu âm con nhưng chỉ siêu âm đen trắng và thử nước tiểu. Chị không bao giờ khám phụ khoa. Khi mang bầu 4 tháng, chị thấy vùng kín ra nhiều khí hư màu vàng và có mùi hôi. Chị Q. hỏi mẹ thì bà bảo ai có bầu cũng có thay đổi về nội tiết nên yên tâm.
Dù cảm giác ngứa ngày và khó chịu, nhưng chị Q. không đi khám mà ở nhà rửa bằng dung dịch về sinh và dùng băng vệ sinh hàng ngày. Mối khi quan hệ tình dục, chị Q. thấy đau và rát ở vùng kín nhưng cố gắng chịu đựng.
Đến khi mang bầu được hơn 5 tháng, chị thấy có cảm giác són tiểu. Mẹ chị lại mua râu ngô về cho con uống vì nghĩ do đi tiểu rắt. Có lần, chị đang ngồi ăn cơm bỗng dưng ộc nước từ vùng kín ướt hết quần.
Gia đình chị không biết chuyện gì, mọi người tưởng chị tiểu dầm nhưng chị Q. bảo khác lắm không tự chủ được nước tự chảy ra. Lúc này, đưa chị lên viện khám thì bác sĩ cho biết bị vỡ ối, nước ối cạn và tim thai đã ngưng đập. Bác sĩ phải lấy thai bằng phương pháp đẻ chỉ huy.
Từ ngày mất con, lúc nào chị Q. cũng tự trách mình không tìm hiểu kỹ, chủ quan. Cảm giác hụt hẫng vì khó khăn lắm mới có thai được.
BS Lê Thị Kim Dung – khoa Sản – Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà cho biết trường hợp này không phải hiếm rất nhiều bà bầu đã mất con vì chủ quan với việc đi khám phụ khoa dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa. Chị em thường chỉ siêu âm thai nhi mà quên rằng khám phụ khoa trong thời gian mang bầu rất quan trọng.
BS Dung tư vấn cho một bà bầu.
Cần khám cả phụ khoa khi mang bầu
Đến khám tại phòng khám của BS Dung, chị Hoa trú tại Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội bị viêm nhiễm vùng kín khi có bầu. Chị Hoa kể từ hơn tháng nay chị thấy ngứa vùng kín. Chị đi siêu âm thai thử nước tiểu các chỉ số bình thường nhưng triệu chứng ngứa không hết.
Bác sĩ khám thai cho chị dặn về nhà chịu khó vệ sinh vùng kín. Lần nào chị cũng rửa bằng lá trầu không nhưng ngứa không dứt mà còn thêm triệu chứng đi tiểu nhiều lần và buốt ở đường tiết niệu.
Em gái chị Hoa khuyên đi khám phụ khoa. Chị chết đứng khi bác sĩ cho biết chị bị nấm ở âm đạo và còn nhiễm sang cả đường tiết niệu. Chị Hoa vừa phải uống thuốc và đặt thuốc để trị bệnh. Khi bác sĩ kê đơn đặt thuốc, chị Hoa hơi lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Nhưng được bác sĩ giải thích cặn kẽ, chị yên tâm hơn.
BS Dung cho biết có không ít chị em bị mắc bệnh phụ khoa khi bầu bí nhưng do chủ quan hoặc sợ việc điều trị ảnh hưởng tới em bé nên không đi khám, có trường hợp khám không chữa. Điều này xảy ra khá phổ biến.
Giai đoạn này, sự thay đổi hoóc môn có thể khiến nhiều người cảm thấy ẩm ướt hơn ở vùng kín, và nếu không vệ sinh đúng cách, đây có thể là môi trường thuận lợi cho các bệnh viêm nhiễm, nấm phát triển. Có nhiều bà bầu trong thời gian mang thai kiêng quan hệ tình dục dẫn đến chuyện chồng di tòm tem bên ngoài lây nhiễm thêm bệnh xã hội rồi viêm nhiễm từ ngoài về rồi lây cho vợ.
Ở nước ta, hiện nay chị em phụ nữ khi có bầu chỉ quan tâm siêu âm thai nhi xem con có khỏe không mà không chú ý tới viêm nhiễm âm đạo của mình. Có những người viêm nhiễm nặng, khi sinh ra đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm nấm từ mẹ.
Để tránh mắc bệnh viêm nhiễm, chị em cần giữ vệ sinh tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, không thụt rửa sâu bên, quan hệ vợ chồng lành mạnh. Khi điều trị viêm nhiễm phụ khoa thời kỳ bà bầu chị em không nên lo lắng vì việc này bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc cẩn trọng để chọn cách phù hợp để không ảnh hưởng tới thai nhi.
Theo Afamily