Nhiều thai phụ không thể cưỡng lại những cơn nghén thèm đồ chua, ngọt hay mặn trong giai đoạn đầu mang thai. Tuy nhiên cái gì thái quá cũng đều không tốt
1. Thèm ăn đồ chua
Một người mẹ chia sẻ: “Khoảng thời gian đầu mang thai, tôi chỉ thích ăn những thứ gì thật chua, càng chua càng tốt. Tôi bắt đầu nhấm nháp những thanh kẹo hoa quả có vị chua tự nhiên nhưng điều này cũng không đủ thỏa mãn cơn thèm. Tôi chuyển sang ăn sữa chua và dùng những thanh kẹo có vị chua hơn nhưng cũng không ổn. Cuối cùng, tôi đành ăn từng lát chanh giống như người ta ăn cam vậy. Tôi ăn chanh khoảng 2-3 lần mỗi ngày, trong vòng vài tuần”.
Cách xử trí: Nếu nghén đồ ăn chua, bạn có thể uống nước chanh ít đường nhưng không nên ăn chanh (tương tự cách ăn cam). Chanh chứa nhiều axit nên nó không tốt cho răng và dạ dày của bạn. Bạn cũng có thể ăn sữa chua và những thanh kẹo hoa quả nhưng nên chọn loại ít đường.
2. Thèm thức ăn giàu protein
Chứng nghén thức ăn dạng protein như thịt cũng có thể gặp khi mang thai. Một thai phụ nhớ lại quãng thời gian mình bị ốm nghén: “Chồng tôi bảo rằng, anh ấy phát hiện ra tôi mang bầu vì tôi trở về nhà và ăn rất nhiều thịt trong bữa tối. Trước đây, tôi hầu như ăn thịt rất ít hoặc ngại ăn thịt. Cho đến khi tôi mang thai thì mọi chuyện đã khác. Giai đoạn bị nghén, tôi còn thèm các loại xúc xích”.
Cách xử trí: Bạn nên giới hạn lượng thịt cho phép tiêu thụ mỗi ngày. Ăn quá nhiều thịt, cơ thể bạn sẽ không còn chỗ để tiêu thụ những loại thực phẩm xanh như rau, hoa quả tươi. Thừa protein cũng khiến bạn dễ mắc chứng béo phì hoặc táo bón.
Bạn nên tránh những loại thịt hộp hoặc xúc xích vì chúng dễ nhiễm khuẩn. Thay vào đó, bạn nên chọn mua những loại thịt tươi ngon và chế biến chúng tại nhà thành những món ăn bổ dưỡng.
3. Thèm đồ ngọt
Một số thai phụ nghén đồ ngọt đến mức bản thân họ không thể kiểm soát nổi mỗi khi nhìn (hoặc nghĩ) về các loại bánh, kẹo. Cũng giống như thịt, nếu bạn ăn quá nhiều kẹo thì điều này không tốt cho sức khỏe. Nó khiến bạn dễ bị thừa cân, mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
Cách xử trí: Bạn không nên mua cùng một lúc nhiều gói bánh hay gói kẹo. Với mỗi gói kẹo, bạn nên có cách dự trữ hợp lý (nếu chỉ mua một gói kẹo; sau đó, bạn ăn hết một gói kẹo đó trong một buổi sáng thì không tốt).
4. Thèm đồ mặn
“Đồng nghiệp của tôi rất buồn cười vì trong lúc mọi người đang quây quần bên chiếc bánh sinh nhật (nhân dịp mừng sinh nhật của một chị trong phòng) thì tôi lại say sưa bên một đĩa khoai tây rán, chấm muối” – một thai phụ chia sẻ.
Giống như việc thèm đồ ăn chua, một số bà bầu mắc chứng nghén đồ mặn muốn tiêu thụ những loại thức ăn có vị càng mặn càng tốt. Điều này thường nằm ngoài tầm kiểm soát và mong đợi của họ. Đôi khi, những món ăn mặn như khoai tây rán hoặc các loại bánh mặn cũng không đủ thỏa mãn họ.
Cách xử trí: Ăn nhiều muối có thể khiến bạn xuất hiện cảm giác khó chịu trong dạ dày. Ăn mặn làm bạn khát nước và khi đã uống nước thỏa mãn thì bạn lại càng có xu hướng ăn mặn nhiều hơn.
Nếu bạn thèm ăn muối thì bạn có thể uống nước hoa quả, pha với một chút muối. Hoặc bạn cũng có thể chấm hoa quả với muối nhưng bạn nên kiểm soát điều này để lượng muối tiêu thụ mỗi ngày không vượt quá mức cho phép.
5. Thèm đồ ăn lạ
Nếu bạn thích những món không phải là thực phẩm như cát, đá cục thì bạn có thể đang mắc phải chứng nghén đồ ăn lạ – dấu hiệu có liên quan đến sự thiếu hụt chất sắt trong cơ thể.
Cách xử trí: Bạn không nên hoảng hốt hoặc lo sợ quá mức. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ dẫn về cách bổ sung sắt thông qua thực phẩm và viên sắt.
Theo Afamily