Trước hết, cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh nấm họng là do loại nấm candida sống hoại sinh trong niêm mạc vùng họng, miệng. Khi cơ thể chủ thể giảm sút sức đề kháng hoặc thay đổi điều kiện sống tại chỗ (như mất cân bằng vi khuẩn do lạm dụng kháng sinh), loại nấm này sẽ gây bệnh. Bệnh nấm họng – thanh quản cũng có thể xuất hiện do hít phải các bào tử nấm trong không khí hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm nấm.
Cách phòng bệnh nấm họng:
– Biện pháp phòng tránh chủ yếu là vệ sinh họng thường xuyên bằng các dung dịch kiềm để tránh sự thay đổi môi trường họng, thuận lợi cho sự phát triển của nấm, thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, sử dụng thuốc đúng và hợp lý.
– Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm Candida, cần phải kết hợp chế độ ăn uống và thể dục thể thao để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho cơ để. Không hút thuốc lá và vệ sinh răng miệng tốt cũng là những yếu tố có thể phòng được nấm Candida.
Cách điều trị bệnh nấm họng:
Với bệnh nấm họng, cần điều trị dài ngày, kết hợp dùng thuốc với việc loại bỏ các yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh.
Tùy theo mức độ bệnh và sức đề kháng của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị. Dùng kháng sinh chống nấm toàn thân hoặc tại chỗ, hoặc phối hợp cả hai phương pháp (như dùng clotrimazol, nystatin, amphotericin B, fluconazol…). Tuy nhiên, hầu hết các chất có thể làm suy giảm sự xâm nhiễm của nấm cũng có tác dụng phụ nặng nề đối với cơ thể người bệnh. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc chống nấm phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Người bệnh phải tuân thủ theo đúng lịch điều trị của bác sĩ, bởi nấm Candida thường rất dễ tái phát, do vậy, luôn phải điều trị triệt để, đủ liều, đủ thời gian. Đồng thời cần loại bỏ các yếu tố thuận lợi và vệ sinh miệng, họng thường xuyên.
Theo Suckhoedoisong