Nếu chú ý nhiều hơn đến chu kỳ “nguyệt san” hàng tháng, bạn sẽ hiểu thêm về sức khỏe của mình thông qua những triệu chứng thường gặp khi tới ngày “đèn đỏ”.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt của phái nữ có thể bộc lộ nhiều điều liên quan đến sức khỏe của họ. Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của mỗi người mà kỳ “nguyệt san” sẽ có những biểu hiện khác nhau.
1. Khi chu kỳ trở nên chậm dần theo từng tháng
Việc chu kỳ kinh nguyệt chậm dần vài ngày mỗi tháng là điều bình thường và không có gì đáng lo. Các bác sĩ sản khoa cho rằng trong vài năm trước khi giai đoạn mãn kinh diễn ra, chu kỳ “nguyệt san” có thể kéo dài hơn và những triệu chứng sẽ thay đổi. Thí dụ, nếu bình thường chu kỳ của bạn là 28 ngày thì trong giai đoạn này, chúng có thể kéo dài thành 32 hay 33 ngày và đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho tuổi mãn kinh. Trong trường hợp bị mất kinh mà không rõ nguyên nhân, bạn cần đi khám để biết được nguyên nhân chính xác là gì.
2. Khi kỳ “nguyệt san” quá ngắn
Chu kỳ kinh nguyệt nếu quá ngắn (chỉ kéo dài ít hơn 21 ngày) cũng là một dấu hiệu bất thường. Do đó, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra ngay khi thấy kỳ “đèn đỏ” ngắn dần đi mỗi tháng. Một kỳ “nguyệt san” quá ngắn có thể là dấu hiệu liên quan đến các bệnh về tuyến giáp, tuyến yên hay tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể.
3. Lượng máu chảy ra quá nhiều trong giai đoạn “đèn đỏ”
Lượng máu thoát ra trong kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn không cần phải bận tâm gì về chúng. Nếu lượng máu chảy ra quá nhiều, có thể là do bạn đang gặp rắc rối với chứng u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
4. Đau bụng khi đang “tới ngày”
Đầy hơi, tiêu chảy và thậm chí buồn nôn đều là những triệu chứng bình thường khi kỳ “nguyệt san” tới. Nhưng nếu bạn không bị đau bụng thường xuyên khi “tới ngày” thì cần chú ý tới cảm giác muốn buồn nôn khi chúng bất ngờ xảy ra trong những ngày “đèn đỏ”.
Triệu chứng ngộ độc có thể xảy ra trong giai đoạn bạn đang có kinh nguyệt. Nó thường có những biểu hiện như sốt cao, nôn mửa, choáng váng, tiêu chảy và chúng có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, cần tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt y khoa ngay lập tức khi bạn bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu bất ổn và không bình thường từ vùng bụng.
5. Chu kỳ “nguyệt san” luôn khiến bạn bị đau đầu
Bạn luôn có cảm giác choáng váng đầu trong những ngày “đèn đỏ”? Nguyên nhân là vì lượng máu mất đi trong khoảng thời gian này có thể gây ra tình trạng thiếu máu, khiến các tế bào máu đỏ gặp khó khăn hơn trong việc vận chuyển ô-xy đến não và phổi. Nếu lượng máu chảy ra nhiều hoặc xuất hiện những khối máu đông, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu máu nhiều hơn.
Cách giải quyết tốt nhất là bạn nên đi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ quyết định xem liệu bạn có cần bổ sung thêm chất sắt dưới dạng thuốc bổ mỗi tháng để làm giảm bớt cảm giác mệt mỏi và đau đầu trong kỳ “nguyệt san” hay không.
6. Chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng luôn khiến bạn kiệt sức
Một số người phải đối mặt với các triệu chứng khá dữ dội khi tới ngày có “nguyệt san”, đặc biệt là các cơn đau bụng. Trong trường hợp tình trạng đau bụng xảy ra quá sức chịu đựng, đó có thể là một dấu hiệu bệnh lý cho thấy bạn có thể bị sẩy thai hoặc bị viêm nhiễm “vùng kín”. Bạn luôn là người hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt của mình nhất.
Do đó, nếu thấy những triệu chứng bất thường, bao gồm những cơn đau bụng dữ dội, bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ phụ khoa.
7. Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến khả năng thụ thai
Kỳ “nguyệt san” có thể bộc lộ rất nhiều điều về khả năng sinh sản của người phụ nữ. Vì vậy, bạn cần theo dõi chặt chẽ kỳ “đèn đỏ” của mình nếu đang có kế hoạch sinh em bé hoặc đang muốn tránh mang thai. Khi kỳ kinh nguyệt không đều đặn, bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội thụ thai do không thể tính chính xác được ngày rụng trứng (nằm ở giai đoạn giữa chu kỳ). Hãy trao đổi với bác sĩ về những thắc mắc và mong muốn của bạn để được tư vấn và có hướng điều trị tốt nhất.
Theo PhunuOnline