Hạ đường huyết Đông y gọi là chứng cơ quyết. Bệnh thường phát khi đói bỗng dưng chóng mặt. Biểu hiện: hoa mắt, mặt trắng bệch, hồi hộp, lo sợ, ra mồ hôi, nặng thì hôn mê, bất tỉnh, mệt mỏi, bụng đầy, đại tiện lỏng, mạch nhược. Nguyên nhân là do tiên thiên bẩm phú không đầy đủ (yếu đuối từ nhỏ), hậu thiên ăn uống không điều độ (nuôi dưỡng kém), lao động quá độ hoặc tư lự, lo nghĩ quá độ dẫn tới khí huyết hư suy, tâm tỳ suy nhược.
Ảnh minh họa – Internet
Theo y học cổ truyền, chứng cơ quyết có hai thể chính:
Thể khí huyết bất túc (không đầy đủ): sắc mặt trắng bệch, đầu váng mắt hoa, mất sức, hụt hơi, mồ hôi đầm đìa, mạch hư nhược. Trường hợp này phải kiện tỳ vị, ích khí huyết, dưỡng tâm, sinh thần.
Dùng bài thuốc: đảng sâm 30g, phục linh 10g, sinh địa 30g, xuyên khung 10g, đương quy 10g, sơn thù 10g, bạch truật 10g, thục địa 30g, chích thảo 5g, bạch thược 10g, long nhãn 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày. Uống trước khi ăn 1 giờ. Kết hợp dùng món ăn: gà ác 1 con làm sạch lông, bỏ phủ tạng. Lấy 30g hoàng kỳ, 15g đương quy, 15g kỷ tử nhồi vào bụng gà, hầm kỹ hoặc hấp cách thủy. Bỏ bã thuốc, ăn thịt gà và uống nước. Mỗi tuần ăn một lần, cần ăn trong một tháng.
Thể khí hư đàm tụ: hụt hơi, người mệt, mềm nhũn, tay chân run rẩy, thở khó, đói mà không muốn ăn, đột nhiên ngã, mạch trầm hoãn. Trường hợp này phải khai khiếu, bổ khí, phù chính.
Dùng bài thuốc: thạch xương bồ 15g, nam tinh 10g, phục linh 10g, cam thảo 5g, thục địa 15g, bán hạ 10g, chỉ thực 10g, đảng sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày. Uống trước khi ăn 1 giờ.
Kết hợp dùng món ăn: củ cải 100g gọt sạch vỏ, thái miếng, chân giò heo (lợn) hoặc sườn lợn 200g, lá hẹ 30g rửa sạch, cắt khúc. Cho vào 1 lít nước hầm nhừ, thêm gia vị vừa ăn. Cách 1 ngày ăn 1 lần, ăn 10 lần một liệu trình.
Theo y học hiện đại, khi hạ đường huyết có thể uống trà gừng cho thêm 20g đường glucoza, uống ấm cũng có tác dụng làm tăng đường huyết, giúp cơ thể phục hồi.
Theo Suckhoedoisong