Thận là một trong các cơ quan rất quan trọng của cơ thể. Chính vậy mà trong Đông y ngay từ xa xưa đã xác định thận là cơ quan có nhiều vai trò quan trọng nên cho rằng: thận vi tiên chi bản mệnh chi căn, thận chủ thủy dịch, thận tư phong tàng, thận chủ nạp khí, thận chủ cốt sinh tủy, thận khai khiếu vô nhĩ, cập nhĩ âm, thận kỳ hoa tại phát, thận tàng chí… Bởi vậy, mỗi khi thận lâm bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sức khỏe của con người.
Bệnh thận trong Đông y gọi là “thủy lũng” mà thủy lũng lại nằm trong chứng “cổ” thuộc tứ chứng nan y (phong, lao, cổ, lại). Do vậy việc trị liệu chứng bệnh này trong đó có cả chứng bệnh viêm cầu thận mạn quả là phức tạp, nan giải.
Cây tỳ giải.
Viêm cầu thận mạn được phân loại điều trị theo bản hư và tiêu thực. Bản hư bao gồm phế tỳ thận hư, khí âm lưỡng hư, can thận âm hư, tỳ thận dương hư. Tiêu thực bao gồm ngoại cảm, thủy thấp, thấp nhiệt, ứ huyết… Từ cơ sở này có thể biện chứng luận trị sao cho thích hợp mà cơ bản là bổ bản hư kết hợp với tả tiêu thực. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào thể bệnh để gia phương trị liệu cho thích hợp. Cụ thể người ta dựa vào chứng trạng mà phân ra các thể như: tỳ dương hư, thận tỳ dương hư, âm hư dương xung, viêm cầu thận nặng để có phương trị liệu tương thích với bệnh chứng.
Thể tỳ dương hư: Biểu hiện phù ít không rõ ràng, phù ở mí mắt, sắc mặt trắng xanh, thở gấp, tay chân mệt mỏi hay đầy bụng, phân nhão, tiểu tiện sẻn, chất lưỡi bệu có vết răng, chân tay lạnh, mạch hoãn.
Phép trị là ôn tỳ lợi thấp. Dùng phương Thực tỳ ẩm, vị linh thang gồm: bạch linh 16g, can khương 8g, thảo quả 8g, chích thảo 4g, hậu phác 8g, phụ tử 8g, sinh khương 3 lát, mộc hương 8g, đại phúc bì 8g, bạch truật 12g, bình lang 4 – 12g, mộc qua 8g, trư linh 12 – 18g, trạch tả 12 – 20g, táo tàu 3 quả, quế chi 8 – 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần uống.
Thể thận tỳ dương hư: Biểu hiện phù không rõ ràng và ít kéo dài nhất ở hai mắt cá chân, bụng trướng, tiêu chảy, nước tiểu ít, sắc mặt trắng xanh, lưỡi bệu, mệt mỏi, lưng mỏi, chân tay lạnh, sợ lạnh, mạch trầm tế. Hoặc có thể thủy thũng đã lâu, đầu mặt chân tay toàn thân phù thũng, từ lưng trở xuống nặng hơn, tiểu tiện không lợi, sợ lạnh, chân tay mát, lưng lạnh ê mỏi, 6 bộ mạch đều trầm phục.
Phép trị là ôn dương thủy lợi, dùng bài: phụ tử 8g, bạch linh 12g, bạch truật 16g, sinh khương 12g, bạch thược 12g, trạch tả 12g, xa tiền tử 12g, trư linh 8g, nhục quế 4g, thổ phục linh 16g, mã đề 12g, tỳ giải 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Sau khi hết phù phải cho uống thuốc bổ tỳ, bổ thận phối hợp với các thuốc lợi thấp. Dùng phương Sâm linh bạch truật tán và Tế sinh thận khí hoàn, cần dùng liền 3 – 6 tháng, định lượng proteine niệu.
Thể âm hư dương xung: Biểu hiện phù ít, đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, miệng khát, môi đỏ, họng khô, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác, hay gặp ở người viêm cầu thận mạn kèm tăng huyết áp.
Cây và củ trạch tả.
Phép trị là bình can tư âm lợi thủy, dùng bài: hoài sơn 15g, đan bì 10g, bạch linh 10g, trạch tả 10g, sơn thù 15g, câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g, quy đầu 12g, bạch thược 12g, ngưu tất 12g, thục địa 30g, xa tiền tử 16g, đan sâm 12g, tang ký sinh 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.
Thể viêm cầu thận nặng: Biểu hiện lợm giọng, buồn nôn, sắc mặt đen, tức ngực, bụng trướng, đại tiện lỏng, tiểu ngắn ít, chất lưỡi bệu, rêu trắng dày, mạch huyền tế, nhu tế.
Dùng phương gồm phụ tử chế 12g, đại hoàng 16g, trần bì 8g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, hậu phác 6g, bán hạ 12g, sinh khương 8g, đẳng sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.
Theo Suckhoedoisong